Việc nấu nướng đồ ăn của người Việt Nam thường tạo ra nhiều mùi lan tỏa không chỉ trong bếp mà còn sang các phòng khác. Bởi vậy, hầu hết các gia đình hiện nay đều sử dụng máy hút khói khử mùi để đảm bảo không khí trong lành lưu thông trong nhà.
Trên thị trường có hai loại máy hút mùi chính:
– Máy có ống thoát khí, hút khói từ bếp nấu, qua lưới lọc và thải khói ra bên ngoài. Loại thiết bị này thích hợp các khu bếp có khe thoát ra bên ngoài, hiệu quả cao.
– Máy không có ống thoát khí mà có phần lọc khói ngay bên trong, trả lại không khí sạch cho bếp qua các lỗ thông gió của máy. Thiết bị này thích hợp các khu bếp kín, không có khe thoáng, hiệu quả 80-90%.
Tuy nhiên, dù bạn đầu tư từ vài triệu tới cả chục triệu mua máy hút mùi mà đôi khi bếp vẫn hôi. Dưới đây là một số lý do dẫn tới hiện tượng này:
1. Khoảng cách giữa bếp và máy hút mùi không hợp lý
Nếu máy hút quá gần thì sẽ gây khó khăn cho việc nấu nướng nhưng nếu máy để quá xa bếp thì hiệu quả hút mùi không cao. Bởi vậy, bạn nên bố trí để khoảng cách giữa bếp và bề mặt của máy hút vào khoảng 70-80 cm.
2. Công suất hút của máy nhỏ trong khi bếp quá rộng
Trước khi mua máy, bạn nên kiểm tra các thông số của máy, cho chạy thử. Máy tối thiểu phải có hai tốc độ, có màng chắn, chạy êm, hút khỏe. Nếu bếp rộng, máy có công suất yếu sẽ không thể nào hút được mùi hiệu quả.
3. Không thay bộ lọc than hoạt tính
Nhiều nhà sử dụng máy hút mùi có bộ lọc than hoạt tính nhưng không bao giờ quan tâm tới việc thay thế, bảo dưỡng. Tùy thuộc vào từng hãng, bạn sẽ phải thay bộ lọc này trong vòng 6-12 tháng một lần. Nếu bạn dùng lâu không thay kịp thời, mùi sẽ không được xử lý hết.
4. Không vệ sinh máy thường xuyên
Do thói quen nấu nướng của người Việt Nam, sẽ có một lượng dầu mỡ bám vào tấm lưới lọc, làm giảm hiệu quả hút khói. Bởi vậy, các gia đình hay nấu món chiên xào cần thường xuyên vệ sinh tấm lưới lọc, tránh để vết bẩn bám trong thời gian lâu, khó làm sạch.